Joseph Stiglitz bàn về trí tuệ nhân tạo: “Chúng ta đang hướng tới một xã hội bị phân hóa nhiều hơn”

Công nghệ có thể cải thiện đáng kể cuộc sống, Joseph Stiglitz nói – nhưng chỉ khi nào những người khổng lồ về công nghệ kiểm soát nó theo những quy định hợp lý. “Những gì chúng ta đang có bây giờ hoàn toàn không thỏa đáng”.

Joseph Stiglitz phải rất khó khăn để giữ mình là một người lạc quan khi đối mặt với tương lai ảm đạm mà ông lo sợ có thể sẽ xảy đến. Người được trao giải Nobel và là cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới đã có suy nghĩ cẩn trọng về cách thức trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta. Về mặt công nghệ, chúng ta có thể tự mình xây dựng một xã hội giàu có hơn và có thể tận hưởng một tuần làm việc ngắn hơn, ông nói. Nhưng có vô số cạm bẫy phải tránh trên đường. Những gì mà Stiglitz suy nghĩ trong đầu hầu như không hề tầm thường. Ông lo lắng về những động thái vụng về dẫn đến sự khai thác thường nhật trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, làm cho xã hội phân hóa hơn bao giờ hết và đe dọa đến các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ.

“Trí tuệ nhân tạo và robot hóa có tiềm năng làm tăng năng suất của nền kinh tế và, trên nguyên tắc, có thể làm cho mọi người có cuộc sống tốt hơn,” ông nói. “Nhưng chỉ khi chúng được quản lý tốt.”

Ngày 11 tháng 9, ông sẽ đến London để giảng bài mới nhất trong loạt bài của chương trình You and AI series thuộc Hiệp hội Hoàng gia. Stiglitz sẽ nói về tương lai của việc làm, một lĩnh vực đã được dự báo thường xuyên, nhưng mâu thuẫn và đáng lo ngại. Tháng trước, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh, Andy Haldane, đã cảnh báo rằng những “mảng lớn” lực lượng lao động của nước Anh đang đối mặt với thất nghiệp khi trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác đang tự động hóa nhiều việc làm hơn. Ông không cần phải nói về những việc làm mới mà trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra. Một báo cáo từ PwC vào tháng 7 cho biết trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nhiều việc làm bằng với việc nó phá hủy chúng – có lẽ còn nhiều hơn nữa. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp, cảnh cơ cực sẽ xảy ra không chỉ từ việc thiếu việc làm, mà còn từ khó khăn trong việc chuyển đổi từ một việc làm này sang một việc làm khác.

Sự khác biệt mà Stiglitz nói đến nằm giữa một trí tuệ nhân tạo thay thế người lao động và một trí tuệ nhân tạo giúp người lao động làm công việc của họ hiệu quả hơn. Trí tuệ nhân tạo đã giúp các bác sĩ làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ tại bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge, các nhà tư vấn về ung thư dành ít thời gian hơn trước đây để lên kế hoạch xạ trị cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt, do có một hệ thống trí tuệ nhân tạo được gọi là InnerEye, tự động đánh dấu tuyến trên hình chụp cắt lớp của bệnh nhân. Các bác sĩ chữa trị bệnh nhân một cách nhanh hơn, bệnh nhân bắt đầu được điều trị sớm hơn và liệu pháp xạ trị được thực hiện với độ chính xác cao hơn.

Đối với các chuyên gia khác, công nghệ là một mối đe dọa lớn hơn. Các kỹ thuật viên trí tuệ nhân tạo được đào tạo tốt hiện đang phát hiện tốt hơn các khối u vú và các bệnh ung thư khác so với các bác sĩ X quang. Điều đó có nghĩa là các bác sĩ X quang sẽ đối diện với nạn thất nghiệp trên diện rộng không? Điều đó không đơn giản là như vậy, Stiglitz nói. “Việc đọc một hình chụp cộng hưởng từ (MRI) chỉ là một phần của công việc, bạn không thể dễ dàng tách công việc đó với các công việc khác.”

Tuy nhiên, một số công việc có thể được thay thế hoàn toàn. Chủ yếu là những công việc đòi hỏi tay nghề thấp: tài xế xe tải, nhân viên thu ngân, nhân viên trung tâm cuộc gọi và nhiều hơn nữa. Tuy vậy, một lần nữa, Stiglitz thấy được lý do để cẩn trọng về những gì sẽ có ý nghĩa đối với nạn thất nghiệp nói chung. Có một nhu cầu rất lớn về lao động không có tay nghề trong ngành giáo dục, dịch vụ y tế và chăm sóc người cao tuổi. Stiglitz nói: “Nếu quan tâm đến con cái chúng ta, nếu quan tâm đến người cao tuổi của chúng ta, nếu quan tâm đến người bệnh, thì chúng ta có rất nhiều việc làm phục vụ những người đó.” Nếu trí tuệ nhân tạo chiếm đoạt một số việc làm không cần tay nghề, thì chúng ta có thể làm giảm nhẹ tai họa đó bằng cách thuê mướn nhiều người làm việc hơn trong ngành y tế, giáo dục và chăm sóc người cao tuổi, và trả cho họ một mức lương phù hợp, ông nói.

Stiglitz đã giành giải Nobel kinh tế năm 2001 vì những phân tích của ông về thông tin không hoàn hảo trên thị trường. Một năm sau, ông xuất bản cuốn Globalisation and Its Discontents (Toàn cầu hoá và những mặt trái của nó), một cuốn sách đã bóc trần sự vỡ mộng của ông đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế – tổ chức liên kết với Ngân hàng Thế giới – và, rộng, cả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ông lập luận rằng các cuộc đàm phán thương mại bị giật dây bởi các tập đoàn đa quốc gia, gây bất lợi cho người lao động và người dân thường. “Điều tôi muốn nhấn mạnh là đã đến lúc phải tập trung vào những vấn đề chính sách công xung quanh trí tuệ nhân tạo, bởi vì những lo ngại này là một sự tiếp diễn những lo ngại mà quá trình toàn cầu hóa và đổi mới đã mang lại cho chúng ta. Chúng ta đã chậm chạp trong việc nắm bắt những gì họ đang làm và chúng ta không nên lặp lại sai lầm đó một lần nữa.”

Ngoài tác động của trí tuệ nhân tạo lên việc làm, Stiglitz còn thấy nhiều tác lực nguy hiểm khác. Được trang bị với trí tuệ nhân tạo, các công ty công nghệ có thể trích xuất ý nghĩa từ dữ liệu mà chúng ta cung cấp khi tìm kiếm, mua sắm và nhắn tin cho bạn bè của mình. Bề ngoài dữ liệu đó được sử dụng để cung cấp một dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn. Đó là một viễn cảnh. Mặt khác là dữ liệu của chúng ta được sử dụng để chống lại chúng ta.

Stiglitz nói: “Những gã khổng lồ về công nghệ mới này đang đặt ra những vấn đề rất sâu sắc về quyền riêng tư và khả năng khai thác người dân thường, những người chưa bao giờ được đề cập trong các thời trước đây về thế mạnh độc quyền”. “Trước đây, bạn có thể tăng giá. Giờ đây, bạn có thể nhắm đến những cá nhân cụ thể bằng cách khai thác thông tin của họ.”

“Chúng ta đã đi từ một tuần làm việc 60 giờ sang một tuần làm việc 45 giờ và chúng ta có thể đi đến một tuần làm việc 30 hoặc 25 giờ” – Joseph Stiglitz

Tiềm năng các bộ dữ liệu được kết hợp là điều mà Stiglitz lo lắng nhiều nhất. Ví dụ, giờ đây, các nhà bán lẻ có thể theo dõi khách hàng thông qua chiếc điện thoại thông minh của khách hàng, khi họ di chuyển quanh các cửa hàng và có thể thu thập dữ liệu về những gì bắt mắt khách hàng và hiển thị những gì khách hàng bỏ qua.

“Khi tương tác với Google, Facebook, Twitter và các ứng dụng khác, họ thu thập rất nhiều dữ liệu về bạn. Nếu các dữ liệu đó được kết hợp với các dữ liệu khác, thì các công ty có rất nhiều thông tin về bạn với tư cách một cá nhân – nhiều thông tin hơn bạn có về bản thân mình”, ông nói.

“Ví dụ, họ biết rằng những người tìm kiếm theo cách này luôn sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn. Họ biết mọi cửa hàng mà bạn tham quan. Điều đó có nghĩa là cuộc sống ngày càng trở nên không dễ chịu, bởi vì mỗi lần bạn quyết định mua sắm tại một cửa hàng nào đó có thể khiến bạn phải chi trả nhiều tiền hơn. Trong phạm vi mà con người nhận thức được trò chơi này, thì nó đã bóp méo hành vi của họ. Điều rõ ràng là nó mang lại một mức độ lo lắng trong mọi thứ chúng ta làm và làm tăng nhiều hơn nữa tình trạng bất bình đẳng.”

Stiglitz đặt ra một câu hỏi mà ông nghi ngờ các công ty công nghệ đã phải đối mặt trong nội bộ. “Cách nào dễ hơn để kiếm tiền: tìm ra một cách tốt hơn để khai thác một ai đó, hay tạo ra một sản phẩm tốt hơn? Với trí tuệ nhân tạo mới, có vẻ như câu trả lời là tìm một cách tốt hơn để khai thác một ai đó.”

Những tiết lộ nghiêm trọng về cách thức nước Nga sử dụng Facebook, Twitter và Google để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ cho thấy mức độ hiệu quả mà con người có thể bị chọn làm mục tiêu với những thông điệp cho từng đối tượng. Stiglitz lo ngại rằng các công ty đang sử dụng, hoặc sẽ sử dụng, những chiến thuật tương tự để khai thác khách hàng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người nghiện mua sắm. “Trái ngược với một bác sĩ có thể giúp chúng ta quản lý nhược điểm của mình, mục tiêu của họ là tận dụng bạn nhiều nhất có thể” ông nói. “Tất cả những xu hướng tồi tệ nhất của khu vực tư nhân trong việc lợi dụng con người được các công nghệ mới này làm trầm trọng thêm.”

Stiglitz lập luận rằng cho đến nay chưa có một chính phủ nào cũng như một công ty công nghệ nào đã làm điều gì đó đủ để ngăn chặn những hành vi lạm dụng như vậy. “Những gì chúng ta có bây giờ là hoàn toàn không thỏa đáng,” ông nói. “Không có hành động gì để hạn chế kiểu hành vi xấu này, và chúng ta có đủ bằng chứng cho thấy có những người sẵn sàng làm điều đó, những người không hề hối hận về mặt đạo đức.”

Stiglitz tin rằng, đặc biệt ở Hoa Kỳ, đã từng có một sự sẵn sàng để các công ty công nghệ giải quyết các quy tắc ứng xử và tuân thủ chúng. Một trong nhiều lý do là sự phức tạp của công nghệ có thể khiến nó trở nên đáng sợ. “Nó lấn át rất nhiều người và phản ứng của họ là: ‘Chúng ta không thể làm điều đó, chính phủ không thể làm điều đó, chúng ta phải để chuyện đó cho những gã khổng lồ về công nghệ.’”

Nhưng Stiglitz nghĩ rằng quan điểm trên đang thay đổi. Có một nhận thức ngày càng tăng về cách thức các công ty có thể sử dụng dữ liệu để nhắm đến khách hàng làm mục tiêu, ông tin như vậy. “Ban đầu, rất nhiều bạn trẻ đã quan niệm rằng tôi không có gì để che giấu: nếu bạn cư xử tốt, thì có gì phải sợ? Mọi người suy nghĩ: “Có gì hại với điều đó?” Còn giờ đây họ nhận ra có thể có rất nhiều điều tai hại. Tôi nghĩ một bộ phận lớn người Mỹ không còn tin điều tốt về các công ty công nghệ.”

Vì vậy, làm thế nào để trở lại đúng hướng? Những biện pháp mà Stiglitz đề xuất là rất rộng và khó có thể hình dung cách thức chúng có thể được đưa vào thực hiện một cách nhanh chóng. Cấu trúc điều tiết phải được quyết định một cách công khai, ông nói. Điều này sẽ bao gồm những dữ liệu nào mà các công ty công nghệ có thể lưu trữ; những dữ liệu nào mà họ có thể sử dụng; liệu họ có thể hợp nhất nhiều bộ dữ liệu khác nhau hay không; họ có thể sử dụng dữ liệu đó vì những mục đích gì; và mức độ minh bạch mà họ phải cung cấp về những gì họ làm với dữ liệu. “Đây là tất cả các vấn đề cần phải được quyết định”, ông nói. “Bạn không thể cho phép những gã khổng lồ về công nghệ làm điều đó. Điều đó phải được thực hiện một cách công khai với nhận thức về nguy cơ mà các công ty công nghệ đại diện.”

Những chính sách mới là cần thiết để kiềm chế thế mạnh độc quyền và phân phối lại khối tài sản khổng lồ được tập trung ở các công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu, ông nói thêm. Tháng này, Amazon trở thành công ty thứ hai, sau Apple, đạt được một giá trị thị trường lên đến 1 nghìn tỷ US$. Giá trị thị trường của hai công ty này giờ đây nhiều hơn giá trị thị trường của 10 công ty dầu hỏa hàng đầu kết hợp lại. Stiglitz nói: “Khi bạn có quá nhiều của cải tập trung vào trong tay của một số tương đối ít người, thì bạn có một xã hội bất bình đẳng nhiều hơn và điều đó không tốt cho nền dân chủ của chúng ta.”

Chỉ thuế thì chưa đủ. Đối với Stiglitz, đây là vấn đề về sức mạnh thương lượng lao động, quyền sở hữu trí tuệ, xác định lại và thực thi các luật cạnh tranh, luật quản trị doanh nghiệp và cách thức hoạt động của hệ thống tài chính. “Đó là một chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhiều so với chỉ vấn đề phân phối lại thu nhập”, ông nói.

Stiglitz không phải là người hâm mộ thu nhập cơ bản phổ quát (UBI), một đề xuất theo đó mọi người đều nhận được một khoản trợ cấp không ràng buộc để trang trải chi phí sinh hoạt. Những người ủng hộ tranh luận rằng, khi các công ty công nghệ thu được nhiều của cải hơn, thì UBI có thể giúp phân phối lại thu nhập và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi. Nhưng, với Stiglitz, UBI là một cái cớ để lẩn tránh trách nhiệm. Ông không tin đó là điều mà hầu hết người dân mong muốn.

“Nếu không thay đổi khung tổng thể về kinh tế và chính sách của chúng ta, thì những gì chúng ta đang hướng tới là sự bất bình đẳng lớn hơn về tiền lương, sự bất bình đẳng lớn hơn về thu nhập và của cải, và một tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn cao hơn và một xã hội phân hóa nhiều hơn. Nhưng không có điều nào kể trên là không thể tránh khỏi” ông nói. “Bằng cách thay đổi các quy tắc, chúng ta có thể tiến đến một xã hội giàu hơn, với những thành quả được phân chia công bằng hơn, và có nhiều khả năng mọi người có tuần làm việc ngắn hơn. Chúng ta đã đi từ một tuần làm việc 60 giờ sang một tuần làm việc 45 giờ và chúng ta có thể đi đến một tuần làm việc 30 hoặc 25 giờ.”

Ông cảnh báo không có điều gì nói trên sẽ xảy ra ngay lập tức. Để bắt đầu, một cuộc tranh luận công khai mạnh mẽ hơn xung quanh trí tuệ nhân tạo và công việc là cần thiết để đưa ra những ý tưởng mới. “Thung lũng Silicon có thể thuê một phần không cân xứng (những người làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo), nhưng có thể không có nhiều người hiểu được điều đó, kể cả những người từ Thung lũng Silicon, những người đã trở nên bất bình với những gì đang diễn ra”, ông nói. “Mọi người sẽ, và đã bắt đầu, suy nghĩ về những ý tưởng mới. Sẽ có những người có kỹ năng, cố gắng tìm ra các giải pháp.”

https://www.theguardian.com/technology/2018/sep/08/joseph-stiglitz-on-artificial-intelligence-were-going-towards-a-more-divided-society

8 động lực định hình người tiêu dùng tương lai (P2)

(Phần 1 xem tại đây)

5. ĐỘNG LỰC 5: Công nghệ thông minh vô hình

Người tiêu dùng nhận thức được công nghệ ngày nay được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều với các tính năng tương tác hơn và đi sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của họ hơn. Tuy nhiên trong tương lai, con người sẽ ít nhận thức về điều đó – nhiều dịch vụ hoặc thiết bị mà chúng ta thường dựa vào sẽ trở nên “vô hình.”
Một thế giới nơi mà thông tin, công nghệ và dữ liệu đã hoàn toàn lấn sâu vào cuộc sống của chúng ta sẽ loại bỏ sự bất tiện và tăng thêm giá trị vượt bậc cho người tiêu dùng. Với gần 20 tỷ “thiết bị có kết nối” dự kiến sẽ được sử dụng vào năm 2020
, nhiều tương tác công nghệ mà chúng ta trải nghiệm ngày nay sẽ hoàn toàn biến mất.
Chúng ta sẽ không còn phải mang theo thẻ căn cước, thẻ ngân hàng hoặc chìa khóa ra vào cửa; mọi dịch vụ đều có thể được cá nhân hóa và phù hợp với ngữ cảnh cụ thể của mỗi người. Mô hình thay đổi này sẽ mang đến một tác động khổng lồ.
Một dự báo cho thấy 10% GDP toàn cầu sẽ được lưu trữ trên blockchain vào năm 2027.
Chi phí cho doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khác có khả năng giảm đáng kể, và bước tiến này sẽ mở cánh cửa đến nhiều loại sản phẩm hoặc mô hình dịch vụ khác. Các công ty sẽ có thể tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ theo những cách mà ngày nay chưa ai có thể thực hiện được.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CÔNG NGHỆ TRỞ NÊN VÔ HÌNH?
• Làm thế nào để xác định được các giá trị mang lại từ ra quyết định dựa trên thông tin đa chiều?
• Lợi ích từ việc sử dụng công nghệ tự động thông minh sẽ được tính toán như thế nào?
• Những yếu tố nào xác định nhu cầu cải thiện các giác quan con người bằng máy móc?
• Nếu các sản phẩm luôn không ngừng đổi mới, những yếu tố nào sẽ thúc đẩy nhu cầu của quá trình này?

Để sự tích hợp vượt bậc này có thể xảy ra mà không hình thành sự độc quyền theo chiều dọc (vertical monopolies) hay độc quyền hoàn toàn (total monopolies) – các hệ thống riêng biệt sẽ phải cộng tác và trao đổi thông tin với nhau với tốc độ bằng một phần nhỏ của giây.
Tương tác tự động và được thống nhất cần phải là một quá trình rất thông minh và xuyên suốt. Khái niệm cạnh tranh sẽ thay đổi hoàn toàn, và mọi người sẽ cần phải học cách tin tưởng AI đưa ra những quyết định thay cho họ.

6. ĐỘNG LỰC 6:  Khi cuộc sống được “trò chơi hóa”, các thương hiệu sẽ “chơi” như thế nào?

Ngày nay, giới trẻ sống ở các quốc gia mà các trò chơi điện tử được ưa chuộng nhiều thường dành trung bình 10.000 giờ chơi các trò chơi trực tuyến ở tuổi 21, số thời gian này bằng với tổng số thời gian mà họ đến trường học.
Thực tế ảo (virtual
Reality) và công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality) sẽ trở thành một phần tương tác thiết yếu của cuộc sống hàng ngày trên các phương tiện liên lạc, truyền thông, trò chơi và giải trí.
Với công nghệ được sử dụng ngày càng trở nên phức tạp và thực tiễn, trải nghiệm người dùng sẽ bao gồm trò chơi hóa (gamify) những thói quen hằng ngày, biến đổi sự nhàm chán thành các trải nghiệm ngoạn mục. Các phương tiện truyền thông giao tiếp sẽ được kết hợp với lĩnh vực thương mại điện tử khi “trải nghiệm thương hiệu” (brand
experiences) trở thành một nguồn giải trí thịnh hành đối với người dùng.
Phần lớn nội dung chúng ta tiếp cận trong thời đại kỹ thuật số mới này sẽ được tạo ra bởi chính người tiêu dùng tương lai. Mỗi người đều có thể trở thành nhà sản xuất của riêng mình: phối trộn nội dung và chỉnh sửa, đăng tải trải nghiệm của họ để tạo hứng thú cho người xem.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CUỘC SỐNG ĐƯỢC “TRÒ CHƠI HÓA”
(GAMIFIED)?
• Xu hướng “Gamification” thúc đẩy nhu cầu và sự gắn kết khách hàng với thương hiệu như thế nào?
• Các thương hiệu thích ứng như thế nào trước sự đồng bộ hóa giữa làm việc và các hoạt động tiêu khiển?
• Giải pháp trò chơi hóa sẽ đáp ứng những nhu cầu nào của khách hàng?

Ngay cả tại thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn có thể thấy những người nổi tiếng trên mạng và những người sử dụng Instagram biến những thú vui và sở thích của họ thành những nguồn thu nhập có giá trị. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là làn sóng đầu tiên của xu thế này.
Mỗi người tiêu dùng trong tương lai sẽ cần phải tìm một lĩnh vực và một khoảng không gian cho bản thân mình nơi mà họ luôn sẵn sàng để “hiện diện ảo” (Virtually Present) cả ngày lẫn đêm.

7. ĐỘNG LỰC 7:  Bạn sẽ tổ chức doanh nghiệp như thế nào khi lực lượng lao động đang dần được thay thế bởi công nghệ?
Khái niệm về “công việc trọn đời” (job for life) không còn tồn tại vào thời nay nữa, và công việc cũng đang ngày càng phân mảnh. Bản chất cốt lõi của việc “đi làm” cũng đang dần thay đổi.
65% trẻ em bắt đầu đi học trong năm nay sẽ hướng đến các công việc chưa thật sự tồn tại.
57% công việc ở các nước OECD có nguy cơ sẽ bị tự động hóa hoàn toàn.
Người tiêu dùng trong tương lai sẽ phát triển một hình thức nghề nghiệp hoàn toàn mới từ một loạt các kinh nghiệm làm việc ở rất nhiều lĩnh vực, tất cả sẽ kết hợp lại để giúp họ đáp ứng nhu cầu cá nhân, nhu cầu phát triển và tài chính của riêng mình.
Thay vì là một nhân viên tiềm năng trong một lực lượng lao động có kỹ năng cố định (fixed-skills workforce), nhiều người sẽ có thể làm việc theo hợp đồng lao động hoặc làm việc tự do thông qua các hệ thống và nền tảng “kết nối trí tuệ” (“cognitive network”).
Những hệ thống, diễn đàn này sẽ sử dụng công nghệ AI và dữ liệu của người dùng để kết nối họ với những dự án phù hợp dựa trên sở trường, thời gian làm việc và mức lương mong muốn. Chúng sẽ là nơi tạo điều kiện cho con người phát triển, đồng thời quản lý và thực hiện các thủ tục thanh toán, thuế và nhân sự vốn rườm rà và phức tạp.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA KHI BẠN KHÔNG CÒN CẦN THUÊ THÊM
NHÂN VIÊN?
• Doanh nghiệp quản lý lực lượng lao động của họ như thế nào khi ngày càng nhiều khía cạnh sẽ được tự động hóa?
• Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thành công hay thất bại của một công ty khi hầu hết các quyết định đều được tự động hóa?
• Các khoản chi tiêu sẽ đến từ đâu khi các công việc đều được tự động hóa?

Các công nghệ như thực tế ảo và AI sẽ cho phép con người làm việc từ xa một cách hiệu quả. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong tương lai thường vẫn sẽ chọn môi trường làm việc chung để duy trì các mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ có khả năng làm thêm nhiều việc hơn, đồng thời các chi phí hành chính cũng được cắt giảm xuống một cách đáng. Chính phủ sẽ tận dụng các nền tảng “kết nối trí tuệ” này để đảm bảo quyền lợi của người lao động, giữ vững nền kinh tế và triển khai hệ thống thu thuế tự động.

8. ĐỘNG LỰC 8:  Cơ sở hạ tầng thông minh có thể tối giản hóa các phương thức đi lại như thế nào?

Các nhà quy hoạch đô thị đã đề cập đến việc nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông từ nhiều thập kỉ nay. Tuy nhiên, đối với hầu hết các công dân, việc đi lại giữa 2 địa điểm có thể còn tốn nhiều thời gian và dễ bị gián đoạn bởi tắc nghẽn giao thông hay phương tiện công cộng bị trì hoãn.
Người tiêu dùng trong tương lai sẽ sử dụng dịch vụ đi lại được kết nối tốt hơn và thân thiện với môi trường hơn. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ trở nên thích nghi với thói quen đi lại của người dùng.
Công dân có thể kiểm soát và sử dụng dữ liệu để hỗ trợ cho việc di chuyển bằng bất kỳ phương tiện di chuyển tiện lợi nào để đi đến bất cứ địa điểm nào mà họ muốn. Điều tương tự cũng sẽ được áp dụng cho các công ty vận chuyển hàng hóa.
Phương pháp trao đổi dữ liệu này sẽ cho phép các thành phố quản lý lưu lượng giao thông một cách trực tiếp. Cơ quan vận tải sẽ nghiên cứu được thói quen di chuyển của người dân trong thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý giao thông một cách hiệu quả.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI VIỆC ĐI LẠI TRỞ NÊN VÔ CÙNG TIỆN LỢI
VÀ NHANH CHÓNG?
• Khi ô tô tự lái trở nên thịnh hành, quá trình đi lại có trở thành thời gian làm việc hiệu quả?
• Ai sẽ chi trả khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng hệ thống giao thông tiện lợi này?
• Dịch vụ giao hàng đến tay người tiêu dùng liệu có chuyển đổi từ một lợi thế cạnh tranh sang một thị trường cạnh tranh khốc liệt không?

Nếu trong 4 chiếc xe, có 1 chiếc được tự động hóa vào năm 2030, số lượng xe có thể lưu thông qua một con đường cùng một lúc sẽ được cải thiện, cũng như khả năng điều chỉnh giao thông, ùn tắc… Tương tự, nếu con người có giờ giấc và địa điểm làm việc linh hoạt thì số lượng các trọng điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm cũng sẽ giảm xuống.
Với nhận thức cao hơn về quá trình đi lại của một người sẽ phụ thuộc vào kế hoạch di chuyển của những người khác sẽ làm cho con người thay đổi hoàn toàn thái độ của mình đối với việc di chuyển. Công dân sẽ ưu tiên “nhu cầu của hệ thống” thay vì nhu cầu đi lại cá nhân của mình. Theo thống kê, ngày nay, chỉ 15% thế hệ Y cảm thấy việc sở hữu một chiếc xe hơi là thật sự cần thiết.

8 động lực định hình người tiêu dùng tương lai (P1)

Thông qua nghiên cứu và phỏng vấn với các nhà phát minh, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia của EY (Ernst and Young) từ khắp nơi trên thế giới, EY xác định hơn 150 yếu tố định hình người tiêu dùng trong tương lai. Các yếu tố này được sử dụng để xây dựng nên 8 giả thuyết liên quan đến 8 khía cạnh quan trọng của đời sống, bao gồm: mua sắm (shop), sinh sống (live), giữ gìn sức khỏe (stay healthy), ăn uống (eat), sử dụng công nghệ hiện đại (use technology), giải trí (play), làm việc (work) và di chuyển (move).

1.  ĐỘNG LỰC 1:  Khi các giao dịch được thực hiện chủ yếu bởi máy móc, giá trị của việc mua sắm là gì?

Hầu hết chúng ta đều có ý thức, ít nhất một phần nào đó, khi đặt mua một món hàng. Tuy nhiên, công nghệ AI sẽ thay thế con người thực hiện ngày càng nhiều các giao dịch này. Người tiêu dùng sẽ nhận được thông tin sản phẩm liên quan với giá cạnh tranh thông qua các hệ thống công nghệ cao (“technology-based platforms”). Những hệ thống này sử dụng công nghệ AI và machine-learning để phân tích số lượng lớn các dữ liệu nhằm dự đoán và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này sẽ khiến các đơn vị trung gian khác trở nên không còn cần thiết.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI “MUA SẮM” KHÔNG CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ
“LỰA CHỌN VÀ MUA HÀNG”?
• Các thương hiệu cần làm gì để đảm bảo trải nghiệm khách hàng là đồng nhất trên tất cả các kênh bán hàng?
• Các cửa hàng cần thích ứng như thế nào với xu hướng sản phẩm thủ công tại gia (homemade) và sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao (personalization)?
• Các thương hiệu lớn sẽ khẳng định mình như thế nào khi quy mô không còn là một lợi thế cạnh tranh?

Theo thời gian, người tiêu dùng sẽ chỉ chọn mua một số lượng các sản phẩm nhất định theo thị hiếu của từng cá nhân. Thiết bị công nghệ cá nhân của mỗi người sẽ đánh giá mức độ cần thiết của các sản phẩm và dịch vụ, và nơi tốt nhất để mua hàng – không chỉ dựa trên tiêu chí giá cả hợp lí, mà còn dựa trên thương hiệu và tên nhà cung cấp phù hợp với các tiêu chí cá nhân mà người tiêu dùng đã đặt ra cho các thiết bị này.
Người tiêu dùng tin tưởng các thiết bị trung gian này có khả năng đưa ra lựa chọn đúng đắn và thay thế con người trong hoạt động mua hàng. Theo thống kê gần đây, 47% người tiêu dùng đã bày tỏ ý định sẵn sàng mua hàng qua chatbot, và gần 1/2 số người tiêu dùng Mỹ nói rằng họ sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để nhận được ưu đãi đặt hàng tốt hơn
.
Khi việc mua hàng trở nên tự động hóa, nó sẽ trở thành một hoạt động rất khác so với định nghĩa mua sắm thông thường chúng ta từng biết đến. Người tiêu dùng sẽ chỉ chủ động mua sắm từ một số ít các thương hiệu đã được lựa chọn trước. Những giao dịch này góp phần giúp người tiêu dùng cá nhân hóa những lựa chọn và mang lại một trải nghiệm mua sắm tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, hệ quả của quá trình này là phần lớn những sản phẩm tiêu dùng trở nên đại trà hoá, và bộ mặt của ngành bán lẻ sẽ thay đổi một cách vĩnh viễn.

2. ĐỘNG LỰC 2:  Bán sản phẩm hay tiếp cận phong cách sống của khách hàng?

Người tiêu dùng trong tương lai sẽ không còn muốn sở hữu mọi thứ. Thay vào đó, họ sẽ tin tưởng vào các dịch vụ có thể đáp ứng được các nhu cầu của họ ngay khi chúng phát sinh. Các doanh nghiệp sẽ cần phải nắm bắt và hiểu được lối sống và cách làm việc mới của mọi người.
Các công ty ngày nay như Spotify và Uber cung cấp dịch vụ đăng kí trả tiền để được truy cập và trải nghiệm các sản phẩm mà các thế hệ trước phải sở hữu mới có thể sử dụng. Người tiêu dùng đang dần quen với mô hình này và sự tiện ích mà nó mang lại. Người tiêu dùng mong đợi mọi thứ phải linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu của họ. Vì thế, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các thương hiệu đang dần thay đổi.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI PHONG CÁCH SỐNG THÚC ĐẨY SẢN PHẨM THAY ĐỔI?
• Cần làm gì để giữ được sự trung thành với thương hiệu khi nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi?
• Các thay đổi lớn, chẳng hạn như tỉ lệ sinh thuyên giảm, có ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược sản phẩm?
• Giải pháp nào sẽ hỗ trợ linh hoạt cho những người tiêu dùng sống ở những nơi hẻo lánh và cách biệt?

Trong tương lai, mô hình này sẽ được áp dụng cho nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn. Ngay cả không gian chúng ta đang sống và làm việc cũng sẽ biến đổi để đáp ứng nhu cầu nhất thời.
Do người tiêu dùng ngày nay có thể dễ dàng thay đổi địa điểm và di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, xu hướng tiêu thụ toàn cầu vì thế cũng sẽ thay đổi. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2030, 60% dân số toàn cầu sẽ sống trong các khu đô thị, và cứ 3 người thì có 1 người là người dân thành phố.

3. ĐỘNG LỰC 3:  Khi sức khỏe con người được quản lý tự động, các thương hiệu cần gắn kết thế nào với người tiêu dùng?

Ngày nay, một cuộc sống khỏe mạnh cần rất nhiều nỗ lực và ý chí.
Mỗi người đều cần tự ý thức chăm sóc cơ thể mình từ việc tuân theo một chương trình tập luyện thể dục nghiêm ngặt, đọc các thành phần có trong thức ăn, thuốc và đồ uống… đến việc đi khám răng định kì. Tuy nhiên, hiện có rất ít công nghệ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
Trong tương lai, khi người tiêu dùng đã có mối quan hệ đáng tin cậy với các nhà cung cấp dịch vụ và sẵn sàng chia sẻ thông tin của mình, con người có thể kết nối với một mạng lưới công nghệ cao tinh vi có khả năng chủ động và tự động giám sát, cải thiện, duy trì sức khỏe và đời sống.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: KHI SỐNG KHỎE TRỞ THÀNH MỘT NHU CẦU TẤT YẾU
• Sản phẩm cần được quảng bá như thế nào để “có thể sẵn sàng phục vụ cho mục đích sống khoẻ”?
• Khi phong cách sống đã được định sẵn nhờ vào công nghệ nghiên cứu gen, việc cá nhân hóa sản phẩm cần được thích ứng như thế nào?
• Làm thế nào để khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin gen và thông tin sức khỏe cá nhân của mình?

Theo đó, từ những năm đầu đời, trẻ em sẽ được phân tích chi tiết sức khỏe thể chất và tinh thần của mình trong tương lai bằng công nghệ nghiên cứu gen. Bảng phân tích này sẽ thay đổi theo quá trình trưởng thành, ghi nhận các chất dinh dưỡng được hấp thụ và liều lượng vận động tiêu hao qua thời gian. Các dịch vụ và sản phẩm các bé sử dụng cũng sẽ thích ứng với những nhu cầu về sức khỏe luôn thay đổi này.
Người tiêu dùng sẽ ăn các bữa ăn có mùi vị thịt bò, nhưng là protein thực vật có chứa các loại vitamin và thuốc nano được thiết kế cho riêng cơ thể của từng người. Chính phủ Hoa Kì đã và đang chi 1,2 tỉ đôla cho việc nghiên cứu công nghệ nano.
Trong tương lai, những sản phẩm có vẻ giống như đồ ăn thức uống bình thường nhưng lại để phục vụ mục đích dinh dưỡng (“paradox products”) sẽ dần trở nên phổ biến.
Nhu cầu vận động thể thao, hoạt động xã hội, thực đơn ăn uống hằng ngày và các phương pháp điều trị phòng bệnh sẽ được phối hợp và cá nhân hóa vào cuộc sống của người tiêu dùng. Tất cả đều là một phần nhỏ của một trải nghiệm tiêu dùng hoàn toàn tự động hóa, được hỗ trợ bởi một hệ thống thông minh và luôn đổi mới không
ngừng.

4. ĐỘNG LỰC 4:  Khi dữ liệu chỉ rõ tác động của mỗi bữa ăn, người dùng có thể được hỗ trợ đưa ra các thực đơn phù hợp hơn như thế nào?

Thời nay, thực đơn và cách thức ăn uống của người tiêu dùng rất đa dạng.
Người tiêu dùng không thật sự biết được nguồn gốc xuất xứ đồ ăn và cách thức chúng được chế biến như thế nào trước khi đến bàn ăn của họ. Trong tương lai, điều đó sẽ không còn là một nỗi lo nữa. Khái niệm một bữa ăn ngon sẽ hoàn toàn được thay đổi, với công nghệ blockchain có khả năng thiết lập hệ thống sản xuất thực phẩm rõ nguồn gốc và tác động của chúng đến môi trường. Từ đó, con người sẽ rất hạn chế tiêu thụ thịt và tăng cường ăn các loại thức ăn nguồn gốc từ thực vật.
Người tiêu dùng sẽ nhận thức được rất nhiều về dinh dưỡng, cơ thể họ và sự ảnh hưởng của các lựa chọn ăn uống lên sức khỏe cá nhân và môi trường. Nguồn thông tin đáng tin cậy về tình trạng sức khỏe của cơ thể tại bất kì thời điểm nào giúp người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm đúng với nhu cầu ăn uống cụ thể và riêng biệt của mình.

CÂU HỎI ĐẶT RA CHO NHÀ LÃNH ĐẠO: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CÁC DỮ LIỆU CÓ THỂ QUYẾT ĐỊNH THỰC
ĐƠN CỦA BẠN?
• Trong một thế giới nơi mà mọi thông tin về thực phẩm đều được phân tích rõ rệt, các thương hiệu sẽ tồn tại như thế nào?
• Những sản phẩm phòng bệnh và hỗ trợ chữa bệnh có cơ hội như thế nào trong ngành thực phẩm và đồ uống?
• Xu hướng tiêu dùng dịch chuyển sang các sản phẩm làm từ thực vật sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến ngành nông nghiệp?

Ngày nay, nguời tiêu dùng cần cân bằng giữa ăn ngon, ăn tiện lợi, và sức khỏe. Trong tương lai, người tiêu dùng sẽ không cần phải đưa ra sự lựa chọn giữa các yếu tố nêu trên. Thay vào đó, chúng ta có thể tiêu thụ các loại sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe, vừa nhanh, tiện lợi, vừa ngon, và vừa phù hợp với lối sống của chính mình.
Một khảo soát toàn cầu gần đây cho thấy gần 90% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm có thêm những lợi ích về sức khỏe.

(Phần 2 xem tại đây)

Tre già khó uốn

Old dogs, new tricks – LIFELONG EDUCATION – THE ECONOMIST SPECIAL REPORT

(Có lẽ tiêu đề này bắt nguồn từ câu “You cannot teach an old dog new tricks”)

 

Khi con người già đi, bộ não thay đổi theo cả 2 hướng tốt và xấu.

Nếu bạn trên 20 tuổi, đừng đọc tiếp bài này. Hiệu suất nhận thức (cognitive performance) của bạn có thể đã suy giảm. Tốc độ xử lý thông tin của bộ não con người giảm đi với một tỷ lệ đều đặn từ đầu những năm tuổi 20.
Một bài kiểm tra phổ biến về tốc độ xử lý là “kiểm tra thay thế ký tự chữ số” (digit symbol substitution test), trong đó một nhóm các ký hiệu được ghép với một tập hợp các số trong một bảng mã hóa. Những người tham gia được xem bảng mã hóa, được đưa cho một dòng các ký hiệu và được yêu cầu viết ra số tương ứng vào ô bên dưới trong một khoảng thời gian nhất định. Không có bất kỳ thách thức về nhận thức nào trong yêu cầu trên; trình độ giáo dục không tạo ra khác biệt tới hiệu suất; nhưng tuổi tác thì có. Tốc độ giảm liên tục khi con người già đi.
Có lẽ điều này chỉ nên được coi là một giả thuyết (hypothesis), nhưng nhóm các giải thích dựa trên thực nghiệm đã được đưa ra trước. Một trong những điểm được chỉ ra là bao myelin, một chất béo màu trắng bao bọc trục dẫn truyền xung thần kinh – các tua dùng để chuyển tín hiệu từ nơ ron thần kinh này đến nơ ron khác. Sự suy giảm đều của bao myelin theo tuổi tác của con người có lẽ làm chậm lại việc chuyển tín hiệu. Một khả năng khác, theo Timothy Salthouse – giám đốc Phòng thí nghiệm lão hóa nhận thức ở Đại học Virginia, là do sự cạn kiệt của một chất hóa học gọi là dopamine, chất dẫn truyền thần kinh này nằm ở vị trí thụ thể mà sự suy giảm của nó tăng cùng với tuổi tác.
May mắn thay, có vài tin tốt đi cùng với các điểm trên. Các nhà tâm lý học phân biệt giữa “trí thông minh mềm” (fluid intelligence) – được định nghĩa là khả năng giải quyết vấn đề mới, và “trí thông minh cứng” (crystallised intelligence) – là khả năng vận dụng kiến thức đã có để giải quyết vấn đề hiện tại, tương ứng với lượng kiến thức đã tích lũy được. Lượng kiến thức tích lũy tiếp tục tăng cùng với tuổi tác: hiệu suất về sử dụng từ vựng và các bài kiểm tra về kiến thức chung tiếp tục được cải thiện cho tới tuổi 70. Và kinh nghiệm thường có thể bù đắp lại suy giảm về nhận thức. Một nghiên cứu cũ nhưng có tính hướng dẫn về những người đánh máy chữ trong độ tuổi từ 19 đến 72, những người nhiều tuổi đánh máy nhanh ngang với những người trẻ hơn, mặc dù tốc độ gõ của họ chậm hơn. Họ đạt được điều đó bằng cách tiên đoán trước từ, điều đó giúp họ đánh máy “mượt” hơn.
Những điều trên có ý nghĩa gì với việc học tập suốt đời? Đó là động lực cho mọi người đang học những điểm mới trong các lĩnh vực quen thuộc. “Nếu việc học tập có thể được quy về một nền tảng kiến thức hiện có, thì lợi thế sẽ nghiêng về những người nhiều kinh nghiệm”, ông Salthouse nói. Nhưng chuyển những người nhiều tuổi sang một lĩnh vực sử dụng các kiến thức hoàn toàn mới thì dường như sẽ không như vậy.

Gốc rễ của siêu lạm phát

74 trường hợp lạm phát phi mã đã được tập hợp lại và chúng đều có những điểm chung.

Ở một nước mà tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 4 con số thì tháng trước đó dường như là thời hoàng kim. Đồng bolivar – tiền tệ của Venezuela đã mất 99.9% giá trị trong một thời gian ngắn. Thật khó để tìm hiểu bằng cách nào một chính phủ có thể đề ra chính sách kinh tế quá tệ trong khi ảnh hưởng của siêu lạm phát đang rất dữ dội. Nguyên nhân của siêu lạm phát là gì?

Bắt đầu với một định nghĩa, vào năm 1956, Phillip Cagan – một nhà kinh tế học làm việc ở Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research) – đã công bố một nghiên cứu có ảnh hưởng lâu dài (seminal study) về siêu lạm phát, ông định nghĩa đó là giai đoạn mà giá cả tăng hơn 50%/tháng. Hiện tượng này rất hiếm gặp. Steve Hanke, từ Đại học Johns Hopkins, và các đồng nghiệp đã tập hợp 57 trường hợp, trong đó Venezuela là trường hợp gần nhất. Thông thường, nền tảng (the backdrop) của hiện tượng này là một cuộc cách mạng, chiến tranh hoặc sự chuyển tiếp chính trị (political transition). Giai đoạn đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào giữa năm 1795 và 1796, trong cuộc cách mạng tại Pháp. Có một chuỗi siêu lạm phát tại Châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đáng chú ý nhất là tại Đức, và vào đầu những năm 90 tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy vậy, chiến tranh và cách mạng không luôn luôn là bối cảnh cho siêu lạm phát, như trường hợp của Venezuela và Zimbabwe đã cho thấy.
Mặc dù mỗi giai đoạn của siêu lạm phát đều có những khó khăn riêng, nhưng cũng có những điểm chung. Thông thường nền kinh tế đó đã trải qua yếu kém kinh niên và có các vấn đề liên quan đến tài chính cơ sở (underlying fiscal problem). Có thể là áp lực về ngân sách, ví dụ chi phí tiến hành chiến tranh (the cost of prosecuting a war), chi tiêu phúc lợi (welfare spending) hoặc bổng lộc phi pháp cho công chức (looting by officials). Thu thuế phụ thuộc nặng nề vào một loại hàng hóa. Đồng tiền nội địa bị cố định ở tỷ giá quá thấp (over-valued rate), điều mà giữ cho lạm phát bị ẩn đi và chỉ thấy được khi tăng lên đột ngột. Các vấn đề bắt đầu với một cú sốc của nền kinh tế. Có thể là sự sụt giảm mạnh giá dầu như trong trường hợp của Venezuela, hoặc giảm mạnh sản lượng nông nghiệp như trường hợp của Zimbabwe. Cú sốc là khởi đầu của chuỗi các sự kiện. Tiền thu thuế bốc hơi, để lại một lỗ hổng trong tài chính công. Chính phủ phải lấp chỗ trống đó bằng cách in tiền. Sự tăng cung tiền đẩy lạm phát tăng. Chỉ như vậy cũng đủ tệ rồi. Nhưng cái gì đã làm tăng tốc quá trình này, bước ngoặt để có sự nhảy vọt về giá dẫn đến siêu lạm phát, đó là ảnh hưởng của lạm phát tới thu nhập của chính phủ. Bởi lẽ, thuế thu được từ thu nhập của người dân hoặc hoạt động kinh doanh thường được trả sau khi các hoạt động đó diễn ra, một giai đoạn lạm phát cao dẫn đến một sự suy giảm trong giá trị thực. Do vậy, chính phủ lại dùng cách in tiền để cấp vốn cho khoản thâm hụt ngân sách. Kết quả của điều đó là lạm phát càng tăng lên, một vòng lặp của thu thuế giảm và tăng cung tiền lại được tạo ra. Ở một điểm nào đó, tỷ giá hối đoái sụp đổ. Sự gia tăng của lạm phát nhanh đến mức bùng nổ, nhất là tại các quốc gia mà tiền lương và sự gia tăng giá cả được biểu thị.
Siêu lạm phát không kéo dài mãi. Siêu lạm phát sẽ kết thúc theo một trong 2 cách. Với cách đầu tiên, đồng tiền trở nên vô giá trị và sẽ bị thay thế bởi một đồng tiền mạnh (Hard currency, safe-haven currency or strong currency). Điều này đã xảy ra tại Zimbabwe vào cuối năm 2008, khi đồng đô la Mỹ đã được dùng thay thế. Giá cả sẽ ổn định nhưng các vấn đề khác sẽ nổi lên. Quốc gia dó mất quyền kiểm soát hệ thống ngân hàng và các ngành công nghiệp có thể mất đi lợi thế cạnh tranh. Với cách thứ 2, siêu lạm phát sẽ kết thúc bằng một chương trình cải cách (a reform programme). Cách này sẽ đặc trưng bởi một cam kết kiểm soát chi phí, một sự phát hành tiền mới và một tỷ giá hối đoái ổn định – trường hợp lý tưởng là được hỗ trợ bởi các khoản vay bảo đảm từ nước ngoài (confidence-inspiring foreign loans). Nếu không có cải cách như vậy, các nhà lãnh đạo của Venezuela mặc dù khinh miệt nước Mỹ, có thể thấy rằng người dân nước họ cuối cùng buộc phải chấp nhận đồng đô la.

 

The roots of hyperinflation – https://www.economist.com/blogs/economist-explains/2018/02/economist-explains-5

Tại sao các cuộc đàm phán Brexit sắp trở nên khó khăn hơn?

Vương quốc Anh có thể phải quyết định nếu muốn một mối quan hệ theo kiểu Na Uy với EU, hoặc theo kiểu Canada

Bà Theresa May hướng đến hội nghị cấp cao của EU (European Union summit) tuần này với hi vọng rằng những lãnh đạo đồng cấp của bà sẽ chấp thuận thỏa thuận về Brexit mà bà vừa đưa ra ở Brussels. Thỏa thuận của Thủ tướng Vương quốc Anh bao gồm 3 vấn đề trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán theo Điều 50, điều khoản mà chi phối tới Brexit: xác định các quyền của công dân EU tại Vương quốc Anh; dàn xếp chi phí Brexit; và tránh một biên giới kiểm soát gắt gao (hard border) giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Nếu các thành viên tham dự hội nghị đồng thuận, các cuộc đàm phán sẽ chuyển sang giai đoạn 2, đàm phán về sự chuyển tiếp và mối quan hệ thương mại trong tương lai. Dù vậy, giai đoạn 2 có thể khó khăn hơn giai đoạn 1 – và nó sẽ được ràng buộc bởi nhiều điều khoản rộng hơn của EU.

Các cuộc đàm phán bắt đầu sau khi bà May khởi động Điều 50 vào ngày 29 tháng 3. Những người ủng hộ Brexit (Brexiteers) nhấn mạnh nhiều ranh giới đỏ, bao gồm lấy lại quyền kiểm soát luật pháp, tiền tệ và biên giới, và rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU. Tuy vậy, sau nhiều thương lượng dài dòng vào mùa hè, chính phủ đã bị làm yếu đi hầu hết các luận điểm trên. Thay vào đó, Tòa án công lý châu Âu (the European Court of Justice – ECJ) sẽ tiếp tục giữ quyền quyết định về các quyền của công dân EU trong thời gian tối thiểu là 8 năm sau Brexit. Vương quốc Anh sẽ phải trả một khoản phí rời EU khoảng 35 – 39 tỷ bảng (tương đương 47 – 52 tỷ USD). Và thỏa thuận về biên giới của Ireland gắn với chính phủ Vương quốc Anh, ngay cả trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại, để duy trì sự điều chỉnh tổng thể với các nguyên tắc của thị trường chung và liên minh thuế quan mà liên quan đến Hiệp định Ngày thứ 6 Tuần thánh (Good Friday Agreement) (Hiệp định ký vào năm 1988 mà góp phần lớn mang đến kết thúc cho 3 thập kỷ bạo lực ở Bắc Ireland) và nền kinh tế của toàn bộ các đảo.

Kiểu mất ưu thế này sẽ tiếp tục tiếp diễn ở giai đoạn 2. Nội các của bà May đang chia rẽ qua Brexit đến mức mà dù đã tranh luận nhiều nhưng chưa thống nhất được thỏa thuận thương mại tương lai mà họ muốn là gì. Trái lại, EU đang chuẩn bị 2 bộ nguyên tắc đàm phán. Thứ nhất là trong khoảng thời gian chuyển tiếp giới hạn khoảng 2 năm mà bà May đã đề nghị, Vương quốc Anh phải tuân thủ toàn bộ các quy định của EU, bao gồm chấp thuận các luật mới và quyền tài phán của ECJ (ECJ jurisdiction). Thứ 2 là Vương quốc Anh đứng trước 2 lựa chọn về thỏa thuận thương mại tương lai. Một là theo kiểu của Na Uy, hình thức mà có toàn bộ các lợi ích của một thành viên trong thị trường chung nhưng phải phải tuân thủ toàn bộ các quy tắc của thị trường chung này, bao gồm của tự do di chuyển lao động (free movement of labour), tuy nhiên hình thức này lại không có tiếng nói trong nhóm các thành viên. Lựa chọn còn lại là theo kiểu Canada, hình thức mà có một hiệp định thương mại tự do toàn diện (comprehensive free-trade agreement) với châu Âu bao gồm các loại hàng hóa nhưng loại trừ hầu hết các ngành dịch vụ, tuy nhiên các ngành dịch vụ lại chiếm tới 70% kinh tế của Vương quốc Anh và 40% trong đó xuất khẩu ra nước ngoài.

Lựa chọn lần này là phép thử cho sự đoàn kết trong chính phủ của bà May. Những người ủng hộ Brexit ôn hòa như Philip Hammond, một bộ trưởng, muốn sự chia tách đủ gần với các quy định của EU để tối đa hóa thương mại với khu vực này, đặc biệt trong các ngành dịch vụ. Những người ủng hộ Brexit cứng rắn như Boris Johnson, Bộ trưởng bộ Ngoại giao, muốn tách khỏi EU và tìm kiếm các hoạt động thương mại với các nước thuộc thế giới thứ 3 để thay thế. Thỏa thuận ở giai đoạn 1 để tránh một biên giới với Ireland cho thấy rằng những người ủng hộ Brexit ôn hòa dường như chiến thắng trong cuộc tranh luận này, việc giữ quan hệ thương mại với EU dễ dàng hơn so với đạt được các thỏa thuận tự do thương mại trên toàn thế giới. Bà May sẽ thấy rất khó khăn để dung hòa 2 luồng quan điểm – và do vậy sẽ khó khăn hơn trong đàm phán ở giai đoạn 2. Thời gian thì không còn nhiều (The clock is ticking): theo Điều 50, Brexit phải thực hiện vào 29 tháng 3 năm 2019. Năm tới sẽ là một năm khó khăn với bà thủ tướng.

(Chú thích về biên giới với Ireland: Phía Ireland muốn Anh đảm bảo đường biên giới cứng với Bắc Ireland sẽ không được tái thiết lập sau Brexit, đồng thời yêu cầu 26 nước EU còn lại ủng hộ quyết định này. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã từ chối đưa ra những cam kết mà Ireland yêu cầu. Bà cho rằng, không thể đưa ra hứa hẹn khi không biết chi tiết của tương lai quan hệ Anh-EU sẽ như thế nào.)

Why the Brexit negotiations are about to get harder – https://www.economist.com/blogs/economist-explains/2017/12/economist-explains-7